Tôi nói nó quan trọng là vì khi học và thực hành tốt, bạn sẽ tự trang bị cho mình kỹ năng và kiến thức cần thiết để điều khiển xe tự tin và an toàn sau này.
Cần nhấn mạnh rằng, học lấy bằng để đủ điều kiện cầm vô lăng là một chuyện. Bạn còn cần phải thành thạo thao tác để đảm bảo tham gia giao thông một cách trật tự, an toàn, và cao hơn là có văn hóa giao thông nữa.
Ngoài ra, không giống như học nhiều môn khác, học lái xe ô tô thực ra khá thú vị, nhất là với nam giới. Ngồi sau tay lái, vặn vô lăng (tôi hay gọi đùa là quay nước mía), vi vu trên đường, có gì đó phê phê như hồi trẻ con được đi ô tô đồ chơi ở công viên vậy.
Như khi tôi học lái xe B2 hơn chục năm trước đây, cảm giác lần đầu được cầm vô lăng, điều khiển xe ô tô thấy rất khoái chí, khác hẳn với cảm giác đi xe máy (giờ vẫn còn chút cảm giác này). Tôi nói chuyện với mấy anh học lái xe bằng C, thì thấy họ cũng có cảm nghĩ tương tự như mình. À, vậy cũng là hiện tượng phổ biến đấy chứ.
Đúng là với người thích đi ô tô, học lái cũng là một trải nghiệm vui, chứ không gò bó như đi học những bộ môn khác.
Với riêng bạn dù có thích hay không, thì khi học lái xe ô tô, có lẽ bạn cũng cần lưu ý những thông tin quan trọng để việc học của mình đạt hiệu quả như mong muốn. Tôi liệt kê như dưới đây những điểm quan trọng mà người học cần lưu tâm, hy vọng có ích cho bạn.
Học lái xe ô tô ở đâu thì tốt?
Với xe máy bạn có thể tự tập (tự học) rồi đăng ký thi bằng lái xe máy. Nhưng với ô tô thì khác, bạn phải học chính thức tại một trung tâm dạy lái xe ô tô thì mới có thể thi lấy bằng.
Hiện có rất nhiều trung tâm đào tạo lái xe, nhất là ở những thành phố lớn như Hà Nội và Tp.HCM. Bạn thử vào Google tìm cụm từ như “học lái xe ô tô tại hà nội” là sẽ thấy vô số kết quả.
Chất lượng thì chắc cũng khó đánh giá ngay được nếu chỉ xem thông tin qua website, hoặc nghe họ tự giới thiệu về mình.
Bạn có thể dựa vào những tiêu chí sau để đánh giá khi lựa chọn nơi theo học:
- Kinh nghiệm của trung tâm và của đội ngũ giáo viên.
- Quy mô, uy tín của cơ sở đào tạo.
- Nhân lực
- Trang thiết bị
- Lịch học và thực hành
Học lý thuyết lái xe
Nếu bạn thuộc tuýp người chăm chỉ, thì chỉ cần chăm chăm vào luyện thuộc 450 câu hỏi sát hạch lái xe là được. Tuy nhiên, dù có làm được như vậy thì cũng mới được phần ngọn. Để có được phần gốc, bạn cần ôn từng phần lý thuyết, sau đó luyện vào bộ câu hỏi thì sẽ tự tin hơn.
Có những phần sau trong nội dung lý thuyết (có thể bạn thấy ngại, nhưng vẫn nên đọc)
- Quy định chung và quy định đối với phương tiện
- Nghiệp vụ vận tải và kỹ thuật lái xe (Nếu thi B1 thì không cần phần Nghiệp vụ vận tải)
- Quy tắc giao thông
- Điều kiện kỹ thuật của xe
- Biển báo và sa hình
Mỗi đề sẽ gồm 30 câu hỏi được lấy từ ngân hàng 450 câu nêu trên, toàn bộ là loại câu hỏi trắc nghiệm. Thời gian làm bài 20 phút, trên máy tính.
Bạn sẽ đạt điểm lý thuyết nếu trả lời đúng tối thiểu 26/30 (với bằng B1, B2) và 28/30 (với bằng C, D, E, F).
Chẳng hạn, với đề thi B2, số câu hỏi mỗi loại như sau:
- 9 câu hỏi về Khái niệm và Quy tắc giao thông.
- 1 câu hỏi về Nghiệp vụ vận tải (Đề thi B1 thì không có câu này)
- 1 câu hỏi về Kỹ thuật lái xe và Sửa chữa (Đề thi B1 có 2 câu loại này)
- 1 câu hỏi về Văn hoá và Đạo đức người lái xe
- 9 câu hỏi về Hệ thống biển báo
- 9 câu hỏi về Sa hình
Xem chi tiết về kết cấu của đề thi lý thuyết lái xe, để hiểu được với mỗi hạng bằng thì đề thi sẽ gồm bao nhiêu câu hỏi, từ những phần lý thuyết nào.
Để nâng cao hiệu quả học và ôn tập lý thuyết, bạn nên dùng kết hợp tài liệu giáo trình với các công cụ online như tôi trình bày trong phần tiếp dưới đây.
Học lái xe ô tô online
Học lái xe mà lại online? Nghe có vẻ hơi phi thực tế!
Nhưng giờ đây việc học online qua mạng internet ngày càng phổ biến, giúp học viên rất nhiều trong quá trình học và luyện thi lý thuyết lái xe.
Bạn có thể tìm đọc trực tuyến hoặc tải miễn phí nhiều tài liệu thiết yếu để phục vụ cho quá trình thi lý thuyết, chẳng hạn như:
- Luật giao thông đường bộ 2008;
- Nghị định 171/2013/NĐ-CP về xử phạt vi phạm giao thông;
- Quy chuẩn 41 về hệ thống báo hiệu giao thông đường bộ
- Hệ thống 450 câu hỏi sát hạch lái xe
Chưa hết, bạn cũng nên tải phần mềm thi sát hạch lái xe về máy tính hoặc điện thoại smartphone để luyện thi thử. Sẽ rất có ích đấy! Nếu ở nhà bạn luyện đúng 30/30 với khoảng thời gian 2/3 so với yêu cầu, thì sẽ rất yên tâm khi thi thật.
Còn với bài thi thực hành, thì chủ yếu vẫn phải luyện kỹ năng bằng cách rèn tay lái thực tế. Mặc dù vậy, bạn vẫn có thể tham khảo và nghiên cứu nhiều kinh nghiệm hay được chia sẻ trên mạng, nhất là những Video hướng dẫn trên những trang như YouTube. Trước hết nghiên cứu kỹ, sau đó vận dụng khi lái trên sa hình hoặc đường trường.
Thi lấy giấy phép lái xe ô tô
Học rồi thì phải thi mới có bằng. Để kết thúc khoá học lái xe ô tô, người học phải trải qua hai kỳ thi:
- Thi chứng chỉ nghề: Thi phần lý thuyết
- Thi sát hạch cấp bằng: Xe thi là của trung tâm sát hạch, có gắn chíp. Có ba môn thi là là lý thuyết, thực hành lái xe trong sa hình và lái xe trên đường trường.
Nếu vượt qua cả 2 kỳ thi bạn sẽ được cấp giấy phép lái xe, và đủ điều kiện lái xế 4 bánh trên đường rồi.
Xem thêm